Ở cữ nhà nội có gì mà phải sợ đến thế?
Đối với mẹ sau sinh, không gì đáng sợ bằng thời gian ở cữ, và nhất là ở cữ nhà nội. Không đáng sợ sao được khi một ngày phải ăn 6 bữa, trong đó 3 bữa cơm và 3 bữa cháo móng giò. Các cụ quan niệm ăn nhiều cơm mới nhiều sữa, nên bát cơm không như bát cơm ngày thường mà phải nén chặt và đầy ú ụ mới được. Móng giò thì lợi sữa, tất nhiên là phải ăn.
Không ăn hết thì sao? Thì là có tội lớn với bố mẹ chồng, mất công chuẩn bị, nấu nướng mà con dâu còn dám chê? Còn cố ăn hết thì sao? Thì sớm muộn cũng bị trầm cảm vì ăn không ngon miệng mà thôi.
Đấy là chuyện ăn uống, vốn dĩ ở nhà nội sẽ không thể được tự do. Nhưng chuyện chăm con, nuôi con còn mất tự do hơn. Phải chăm con theo cách của các cụ này, mà đa phần các cách đó phản khoa học lắm.
Nào là rơ lưỡi bằng mật ong, con bú xong phải cho nó uống nước, đừng đóng bỉm mà phải tập xi tè, hắt hơi – sổ mũi – ho hắng là phải uống kháng sinh ngay, không thì làm sao mà khỏi được….
Người mẹ đáng lẽ được toàn quyền chăm con theo cách của mình, theo những kiến thức đã học hỏi được từ trước, thì giờ phải nghe vô vàn những lời khuyên từ bất cứ ai và bị áp đặt cả chuyện chăm con như thế nào. Cứ như thể người mẹ đó chẳng hề biết gì vậy.
Giai đoạn sau sinh là giai đoạn cơ thể và tâm tính người mẹ có nhiều thay đổi. Chưa quen với việc thức đêm chăm con, bế con, tắm cho con, cho con bú nhưng trước mặt nhà nội phải tỏ ra là người mẹ đảm.
Chỉ một sơ sẩy nhỏ thôi, nhà nội sẽ nhìn với ánh mắt khác ngay. Thế nên người mẹ hình thành tâm lý phòng vệ, và lúc nào cũng áp lực chuyện mình phải là người mẹ hoàn hảo, chu toàn.
Còn về chuyện nuôi con sữa mẹ, nếu nhiều sữa, rất có thể sẽ bị chê là sữa hôi, sữa không có chất, sữa nhạt, cho con bú thêm sữa ngoài đi. Nếu ít sữa, tất nhiên cũng bắt phải cho bú thêm sữa ngoài, nhưng người mẹ còn chịu nhiều “dằn vặt” hơn khi hết người này đến người nọ nói “mẹ gì không có sữa cho con”.
Vô tình những câu nói ấy làm tổn thương người mẹ và họ bỗng cảm thấy mình là kẻ tội đồ, chăm con không khéo, không làm tròn nghĩa vụ của người mẹ.
Nói tóm lại, nếu để nói về việc ở cữ nhà nội, thì vài từ sau sẽ mô tả chân thực nhất. Đó là mất tự do, bí bách và ức chế.
Phụ nữ sau sinh có một mong mỏi âm thầm nhưng to lớn, mà ít ông chồng nào có thể hiểu được. Đó là được về nhà ngoại. Về nhà ngoại đích thị là “thuốc lợi sữa và chống trầm cảm sau sinh”, bởi khi tâm trạng vui vẻ thì điều gì cũng có thể xảy ra, từ ít sữa thành nhiều sữa, từ lầm lì, buồn bã trở nên nhanh nhẹn, hoạt bát, nói nhiều, cười nhiều.
Về nhà ngoại, mẹ sau sinh được là chính mình, được cho phép mình lười biếng, có thể nằm dài trên giường, ăn những món mình thích và quan trọng hơn là không phải lo lắng xem người khác đánh giá mình chăm con, nuôi con như thế nào.
Nói thì bảo quá đáng nhưng nếu ở nhà nội một mình mẹ một chiến tuyến, chẳng ai ủng hộ, chẳng ai hỗ trợ, thì về nhà ngoại lại hoàn toàn khác.
Ở cữ nhà nội nếu con thức chơi đêm, chỉ có mình mẹ bế con đến mỏi rã tay thì thôi, còn ở nhà ngoại, cứ “tống” hết cho bà ngoại trông, đã có bà ngoại lo hết, mẹ ngủ khò khò.
Ở cữ nhà nội thường xuyên nghe lời khuyên “phải như này, phải như nọ”, ở nhà ngoại thì tự do, toàn quyền chăm con theo cách của mình.
Thế nên các ông chồng ạ, nếu thấy vợ mình bỗng dưng ít sữa hoặc hay buồn bã, khóc lóc, tâm tính không ổn định, thì hãy tặng vợ ngay món quà “về nhà ngoại”, đảm bảo chỉ vài tuần sau đó, vợ sẽ vui vẻ, yêu đời trở lại.
Theo GĐM