Để con cao lớn khỏe mạnh, mẹ thường nghĩ đến việc bổ sung canxi cho trẻ mà quên rằng sắt cũng là một trong những vi chất cần thiết để con không những cao lớn khỏe mạnh và còn phát triển trí não.
Sắt là vi chất quan trọng đối với sự phát triển của cơ thể. Thiếu sắt làm trẻ mệt mỏi, suy nhược, ốm đau, chậm phát triển.
Khi trẻ thiếu m.á.u do thiếu sắt, khả năng vận chuyển oxy của hồng cầu giảm, làm giảm oxy đến các bộ phận cơ thể, dẫn đến các vấn đề như suy tim, chóng mặt, mệt mỏi. Trẻ thiếu m.á.u thiếu sắt làm ảnh hưởng đến sự phát triển trí não, khả năng miễn dịch và thể chất.
Với trẻ dưới 1 tuổi, mẹ có thể bổ sung sắt cho con với những món cháo ngon lành, bổ dưỡng và hấp dẫn dưới đây để con cao lớn khỏe mạnh, tăng cân ào ào thông minh vượt trội.
1/ Cháo tôm rau ngót
Tôm giàu sắt, canxi, protein kết hợp cùng rau ngót giàu vitamin A, vitamin C… cho bé thông minh, cao lớn, tăng cường miễn dịch, ngăn ngừa thiếu m.á.u thiếu sắt, tăng cân.
Nguyên liệu:
– Gạo trắng
– Tôm tươi
– Rau ngót (có thể thay rau ngót bằng các loại rau khác như mồng tơi, rau dền).
Thực hiện:
– Gạo đem nấu cháo.
– Tôm làm sạch, chẻ sống lưng rút chỉ đen, bằm nhuyễn. Cho chảo dầu lên bếp, đảo sơ cho tôm chín tới.
– Rau ngót rửa sạch cắt nhuyễn.
– Cháo chín, cho tôm và rau ngót vào, nấu sôi lại, tắt bếp.
2/ Cháo trứng gà bí đỏ
Trứng gà giàu sắt, protein, vitamin D, bí đỏ giàu vitamin A, canxi, sắt… Đây là món cháo bổ dưỡng không chỉ giúp bé tăng cường miễn dịch, tăng cường thị lực, bổ m.á.u mà còn giúp con cao lớn và thông minh.
Nguyên liệu:
– Gạo trắng
– Bí đỏ
– Trứng gà
Thực hiện:
– Gạo trắng đem nấu cháo.
– Bí đỏ rửa sạch, gọt vỏ, cắt miếng đem hấp chín sau đó tán nhuyễn.
– Trứng gà đập ra chén đánh cho tan.
– Cho trứng gà và bí đỏ vào cháo, chờ sôi, tắt bếp.
3/ Cháo gan bí xanh
Gan giàu sắt, protein, vitamin A… kết hợp cùng bí xanh giàu nước, vitamin C, betacaroten… cho con tăng cường thị lực, tăng cường miễn dịch, ngăn ngừa thiếu m.á.u thiếu sắt, phát triển cả thể lực và trí lực.
Nguyên liệu:
– Gạo trắng
– Gan heo
– Bí xanh
Thực hiện:
– Gạo đem nấu thành cháo.
– Gan làm sạch, cắt miếng, rửa sạch lần nữa, sau đó đem bằm nhuyễn mịn hoặc bỏ vào cối xay thịt xay thật mịn.
– Bí xanh gọt vỏ rửa sạch, hấp chín, tán nhuyễn.
– Cháo chín, cho gan và bí xanh vào, chờ sôi lại, tắt bếp.
4/ Cháo thịt bò đậu xanh
Thịt bò cực giàu chất sắt, protein, đậu xanh giàu các vitamin nhóm B, protein… Món cháo thịt bò đậu xanh giúp bé ngăn ngừa thiếu m.á.u thiếu sắt, cho con phát triển thể chất và trí não tối ưu.
Nguyên liệu:
– Gạo trắng
– Thịt bò
– Đậu xanh nguyên hạt
Thực hiện:
– Đem đậu xanh vo sạch rồi ngâm nước khoảng 2 giờ đồng hồ cho đậu mềm.
– Đem gạo nấu cháo, cháo sôi, cho đậu xanh vào nấu chung đến khi cả đậu và gạo chín nhuyễn.
– Thịt bò bằm nhuyễn mịn.
– Cho thịt bò bằm vào cháo đậu xanh, chờ sôi lại, tắt bếp. Khi cho bé ăn, dùng rây rây nhuyễn.
5/ Cháo cá hồi hạt sen
Cá hồi dồi dào sắt, vitamin D, axit omega-3, kết hợp cùng hạt sen giàu các vitamin, protein, canxi, sắt… cho bé món cháo vừa thơm ngon hấp dẫn giàu dinh dưỡng, giúp con tăng thông minh cao lớn, ngăn ngừa thiếu m.á.u thiếu sắt.
Nguyên liệu:
– Gạo trắng
– Cá hồi
– Hạt sen
Thực hiện:
– Gạo đem nấu cháo.
– Cá hồi băm nhuyễn, bắc chảo dầu lên bếp, đem cá xào sơ.
– Hạt sen rửa sạch, ngâm nước khoảng 1 tiếng.
– Cháo sôi, cho hạt sen vào nấu chung, đến khi hạt sen chín mềm, cho cá hồi vào, chờ sôi lại, tắt bếp. Khi bé ăn, dùng rây rây nhuyễn.
6/ Cháo thịt gà cà rốt
Thịt ức gà rất giàu chất sắt, protein, kết hợp cùng cà rốt giàu vitamin A, betacaroten, kali, canxi, sắt… Món cháo ức gà cà rốt giúp bé ngăn ngừa thiếu m.á.u thiếu sắt, tăng cường miễn dịch, tăng cường thị lực, phát triển thể chất và trí não tối ưu.
Nguyên liệu:
– Gạo trắng
– Cà rốt
– Thịt ức gà
Thực hiện:
– Đem gạo nấu cháo.
– Cà rốt gọt vỏ rửa sạch, cắt miếng, đem luộc chín, tán nhuyễn.
– Ức gà bằm nhuyễn, cho chảo dầu lên bếp, xào sơ.
– Cháo chín, cho thịt gà và cà rốt vào đảo đều, chờ sôi lại, tắt bếp.
Những lưu ý khi nấu cháo ăn dặm cho bé
– Nấu cháo cho bé đủ 4 nhóm chất bột, béo, đạm, rau;
– Dùng nguyên liệu tươi mới, an toàn để nấu cháo cho con;
– Không nêm muối vào cháo ăn dặm của trẻ dưới 1 tuổi;
– Nấu cháo trắng, múc ra một lượng nhỏ vừa ăn và chế biến cho con ăn, đổ cháo thừa nếu bé ăn không hết;
– Không cho bé ăn cháo đã để qua đêm;
– Không nấu một nồi cháo đầy đủ nguyên liệu và hâm đi hâm lại cho bé ăn cả ngày;
– Cho thêm dầu ăn vào cháo ăn dặm của bé;
– Không cho trẻ ăn liên tục một loại thức ăn.
– Không dùng nước ninh xương nấu cháo cho bé;
Theo giadinhmoi