Chồng tôi đột nhiên giẫy nảy lên hỏi: “Ơ, tiền đâu mà mấy triệu, bố mẹ nhầm đúng không?”. Tôi tái mặt đi trước câu hỏi của chồng, cố tình kéo anh ra ngoài nhưng anh vẫn quyết đứng chất vấn bố mẹ vợ…
Ngày đi lấy chồng, tôi khắc cốt ghi tâm lời mẹ dặn: “Lấy chồng phải theo nhà chồng”, “phải coi bố mẹ chồng như bố mẹ mình”, “với chồng phải biết nhẫn nhịn và toàn tâm toàn ý với nhà chồng”.
Hồi còn yêu nhau, tôi không thể ngờ một người đẹp trai, cao ráo và lãng mạn như anh lại trở thành người đàn ông bủn xỉn khi sống chung một nhà.
Cả tôi và chồng đều làm Nhà nước, lương tháng chỉ ba cọc ba đồng. Thu nhập mỗi tháng của tôi 6 triệu, còn chồng nhỉnh hơn là 10 triệu. Với mức thu nhập như vậy lại 2 mặt con, sống giữa thành phố thực sự không dư dả chút nào. Ấy thế mà thấy lương vợ không được bao nhiêu, chồng tôi vẫn không mảy may đoái hoài đóng góp.
Hàng tháng, anh chỉ lo tiền bỉm sữa, tiền học của đứa lớn hết khoảng hơn 3 triệu. Còn tiền ăn, tiền nội ngoại, tiền sinh hoạt hàng ngày, đám xá của cả gia đình đều là tôi tự lo chi tiêu dựa vào số lương ít ỏi của mình. Nhiều lần chia sẻ và ngỏ ý với chồng, anh toàn lảng đi không thì chống chế: “Tôi còn dành tiền để lo việc lớn”.
Bắt đầu từ năm ngoái, tình hình giá cả leo thang, với mức thu nhập của riêng tôi, thực sự không đủ để trang trải cho một gia đình 4 miệng ăn. Hàng tháng, tôi đều đưa hóa đơn tiền điện nước và bảng kê khai chi tiêu cho chồng xem. Lần đầu nhìn thấy, anh kêu oai oái:
“Sao mà lắm thế này. Như này có mà phá tiền à”
“Thế mà tháng nào tôi cũng phải đóng chừng nấy tiền đấy. Ăn chung, ở chung, con chung thì anh phải có trách nhiệm chứ”
Cãi nhau rồi chiến tranh lạnh mất vài hôm, cuối cùng anh cũng chịu móc hầu bao đóng góp cho vợ. Thế nhưng, cứ hễ không đưa tiền cho vợ thì không sao, tháng nào cầm được vài đồng bạc của chồng là tôi lại bị ảnh sỉ vả như thể mình là đứa ăn bám.
Suốt đời này, tôi sẽ không bao giờ quên lần về quê ngoại đợt Tết vừa rồi. Giữa mùng 2 Tết, tôi muốn muối mặt xấu hổ với mọi người.
Năm nào cũng vậy, cứ đến Tết là tôi đều bỏ tiền túi tích cóp từ đầu năm để mua quà biếu bố mẹ đẻ. Tiền là tiền của riêng mình nhưng đều phải nói dối là “vợ chồng con có chút quà biếu bố mẹ”, để ông bà vui vẻ, mát mặt vì có con rể thoáng tính và để chồng tôi không mất mặt trước mọi người.
Ấy vậy mà anh đâu có hiểu được điều đó. Chiều mùng 2 Tết, vợ chồng tôi lên xe về nhà ngoại và tôi cũng chuẩn bị quà biếu như mọi năm. Chiều đó, có bác họ xa đến chơi, bố mẹ tôi vui vẻ kể chuyện và khoe: “Nhà tôi năm nào vợ chồng cái Linh với thằng Hoàng cũng biếu vài triệu ăn Tết. Tiền ăn thì không đáng mấy nhưng vui vì con cái nó quan tâm bác ạ”.
Nghe đến đây, chồng tôi đột nhiên giẫy nẩy lên hỏi: “Ơ, tiền đâu mà mấy triệu, bố mẹ nhầm đúng không ạ?”. Tôi tái mặt đi trước câu hỏi của chồng, cố tình kéo anh ra ngoài nhưng anh vẫn quyết đứng chất vấn bố mẹ vợ dù là có ông khách đang ngồi đấy. Cuối cùng, cực chẳng đã, tôi đành phải bảo là tiền của tôi cho bố mẹ, anh mới chịu theo ra ngoài và quát tháo ầm ĩ.
Thực sự, tôi xấu hổ chẳng biết chui vào đâu. Cũng vì chuyện đó mà bố mẹ tôi ê mặt với khách rồi quay sang chửi vợ chồng tôi: “Từ lần sau, cho được thì cho mà không thì thôi, 2 thân già này không cần”.
Tôi và chồng giận nhau từ suốt Tết đến giờ. Ngoài mặt thì vẫn đi làm, chăm sóc con cái nhưng thực tâm, tôi bực chồng lắm. Còn vài ngày nữa là bên nhà anh có đám cưới cô em chồng. Anh bàn với tôi cho em chồng 1 cây vàng nhưng tôi không đồng ý. Tối qua, chúng tôi cãi nhau 1 trận tanh bành khói lửa:
“Cô nhìn xem, từ ngày về nhà này làm dâu, cô đã sắm sửa cho nhà chồng cái gì?”
“Tiền của anh thì giữ khư khư, bao nhiêu khoản cần phải lo trong nhà, tôi không trả thì ai trả”
“Cô còn có tiền cho bố mẹ đẻ được cơ mà”
“Tiền tôi làm ra, tôi muốn cho ai kệ tôi. Anh trách tôi không cung phụng nhà anh nhưng chuyện gì cũng có lý do của nó. Muốn dâu hiền thì rể phải thảo”.
Nói xong, tôi bỏ sang phòng ôm con ngủ. Nhìn 2 đứa con ngủ ngon lành mà nước mắt tôi chảy dài. Chưa bao giờ, tôi dám nghĩ cuộc đời mình lại bất hạnh như thế.