Không phải ai cũng biết, các “cô gái vàng” của TTVN này có xuất phát điểm hết sức đặc biệt. Trong đó, người được phát hiện để trở thành VĐV rowing khi đang làm phụ hồ, người bị “bắt cóc” từ môn…bơi lội.
Trưa nay 23/8, đội tuyển rowing (chèo thuyền) Việt Nam vừa gây “chấn động” ASIAD 2018 khi vượt qua những đối thủ cực mạnh là Iran và Hàn Quốc để giành chiếc huy chương vàng đầu tiên cho đoàn thể thao Việt Nam (TTVN).
Với việc hàng loạt những “niềm hy vọng vàng” gây thất vọng trong những ngày qua, chiếc HCV của 4 cô gái Tạ Thanh Huyền, Lương Thị Thảo, Hồ Thị Lý và Phạm Thị Thảo đã mang lại niềm vui cực lớn và giải “cơn khát vàng” không chỉ cho người làm chuyên môn mà còn với người hâm mộ nước nhà.
Tuy vậy không phải ai cũng biết, các “cô gái vàng” của TTVN này có xuất phát điểm hết sức đặc biệt. Trong đó, người được phát hiện để tập rowing khi đang làm phụ hồ, người bị “bắt cóc” từ môn…bơi lội.
Hồ Thị Lý: Nữ phụ hồ bén duyên thể thao như cổ tích
Câu chuyện đến với nghiệp thể thao của cô gái người Quảng Trị kể ra cứ như chuyện cổ tích. Suốt thời học sinh, VĐV sinh năm 1991 chưa từng chơi bất kỳ một môn thể thao nào nổi bật.
Từ năm đầu học Cao đẳng, Lý đã đi làm thêm để có tiền phụ giúp gia đình và trang trải học phí, một trong số đó là làm phụ hồ.
Một lần đi tìm VĐV, đến công trình xây dựng, nhìn thấy cô sinh viên 22 tuổi làm thêm, HLV Phan Văn Biên – người khi đó đang đi tìm kiếm VĐV đã vô cùng ưng ý trước cô phụ hồ trẻ có sức vóc khỏe mạnh, nhanh nhẹn, nhất là đôi tay dài khỏe rất thích hợp cho môn chèo thuyền.
Đến bắt chuyện làm quen, HLV này ngỏ lời mời cô phụ hồ gia nhập thể thao. Cũng từ buổi gặp gỡ tình cờ đó, Lý gác luôn việc học, làm quen và gắn bó với bộ môn rowing.
Bất chấp nhiều khó khăn như phải sống xa nhà, ngày nào cũng phơi mình trên sóng, dưới trời nắng chang chang, Hồ Thị Lý liên tục gặt hái thành công. Cô trở thành hiện tượng lạ của bộ môn này khi chỉ tập chừng một năm đã giành 2 chiếc HCB quốc gia, đặc biệt là khả năng thi đấu đa dạng ở nhiều nội dung.
Đến năm 2015, Lý lên tuyển quốc gia và cùng đồng đội đạt HCĐ châu Á. Một năm sau, Lý là gương mặt được gửi gắm để tham dự Olympic tại Rio (Brazil).
Giờ đây, cô phụ hồ năm nào cùng các đồng đội giành chiếc huy chương vàng ASIAD 2018. Đó là “trái ngọt” xứng đáng cho câu chuyên cổ tích của cô với chèo thuyền và chắc chắn chưa phải vinh quang cuối cùng của Lý mang về cho TTVN.
Tạ Thanh Huyền: “Nữ hoàng rowing” bị “bắt cóc” từ môn bơi lội
Khác với Hồ Thị Lý, Tạ Thanh Huyền được phát hiện năng khiếu thể thao từ khá sớm nhưng là ở môn…bơi lội. Năm 2009, khi đang là học sinh của trường Năng khiếu thể dục thể thao, cô gái quê Thái Bình bất ngờ được gọi chuyển sang đội đua thuyền phân môn Rowing.
Dưới con mắt “nhà nghề” khi ấy của HLV trưởng bộ môn đua thuyền Trần Văn Sáu, ông nhận ra được ở cô gái trẻ này có đủ tiềm năng và ý chí để trở thành một VĐV đua thuyền hàng đầu của Việt Nam.
Dưới sự hướng dẫn tận tâm của các HLV và đặc biệt là người chị cả trong đội Phạm Thị Hà, Huyền dần tiến bộ, hoàn thiện mình.
Năm 2012, Huyền trở thành thành viên đội tuyển đua thuyền quốc gia. Tại ASIAD 17 (2014), Huyền gây tiếng vang khi giành được tấm HCĐ. Những năm sau đó, cô tiếp tục là cái tên ấn tượng của rowing Việt Nam ở đấu trường quốc tế như SEA Games, Rowing Cúp châu Á…Tuy nhiên, mong mỏi lớn nhất của Huyền là cùng đồng đội đổi màu tấm huy chương ASIAD.
Cuối cùng bằng những nỗ lực tuyệt vời, Huyền đã làm được điều mình mong muốn tại ASIAD 2018.
Phạm Thị Thảo: Nữ kiện tướng không biết bơi 2 lần giành suất Olympic
Ở đội tuyển rowing Việt Nam, Phạm Thị Thảo được ví von là “máy gặt vàng” số 1 với bộ sưu tập lên đến vài chục chiếc huy chương quốc tế các loại. Không chỉ vậy, tuyển thủ có khuôn mặt khắc khổ ấy lại đang thuộc diện giàu nhất làng đua thuyền khi có được cả tỷ đồng tiền thưởng trong khoảng 10 năm gắn bó với thể thao.
Tuy nhiên, cô gái sinh năm 1989 từ đầu vốn muốn trở thành một VĐV bóng chuyền và không hề có chút hứng thú gì với môn chèo thuyền, lý do từ việc cô…không biết bơi.
Với sải tay dài khác thường, Thảo đã nhận được lời mời gia nhập đội tuyển chèo thuyền tỉnh Thái Bình từ khi còn học lớp 12. Dù vậy, phải mất tận 2 tháng trời thuyết phục, các HLV chèo thuyền mới được cái gật đầu của cô học trò đầy tiềm năng.
Suốt 10 năm nay, Thảo thường xuyên quen cảnh xa nhà biền biệt để tập luyện ở Hà Nội. Cứ 5h sáng, cô đã vác chiếc thuyền nặng xuống nước, chèo hàng chục cây số bất kể nắng mưa. Nhìn mái tóc khô, làn da đen sạm, bàn tay chai sần…đủ khắc họa lên những khổ cực mà Thảo và các đồng đội đã bỏ ra, đằng sau những chiếc huy chương lấp lánh.